Khát vọng của chàng trai khuyết tật "Những tấm gương bình dị mà cao quý"

  • 03492.66666

    Hotline mua hàng

  • 03492.66666

    Sửa chữa - bảo hành

  • 0349266666

    Chăm sóc khách hàng

Khát vọng của chàng trai khuyết tật "Những tấm gương bình dị mà cao quý"

QĐND - Ở nước ta, hàng triệu người khuyết tật (NKT) đang ở trong độ tuổi lao động và việc tạo việc làm để NKT có thể tự nuôi sống bản thân, hòa nhập với cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn. Đồng cảm với những phận đời cùng cảnh ngộ, chàng trai Nguyễn Hữu Chuyền, quê ở xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) đã sáng lập ra Trung tâm Nghị lực Việt, chuyên đào tạo miễn phí các nghề sửa chữa máy vi tính 

Báo QDNDVN

QĐND - Ở nước ta, hàng triệu người khuyết tật (NKT) đang ở trong độ tuổi lao động và việc tạo việc làm để NKT có thể tự nuôi sống bản thân, hòa nhập với cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn. Đồng cảm với những phận đời cùng cảnh ngộ, chàng trai Nguyễn Hữu Chuyền, quê ở xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) đã sáng lập ra Trung tâm Nghị lực Việt, chuyên đào tạo miễn phí các nghề sửa chữa máy vi tính để bàn, laptop, iPad… cho NKT.

Khát vọng của chàng trai khuyết tật

Nguyễn Hữu Chuyền (bên phải) hướng dẫn học viên khuyết tật sửa chữa máy vi tính.

 

“Bà con ở quê ai cũng mến phục”

Đó là câu nói của bà Nguyễn Thị Nhịp, mẹ của Nguyễn Hữu Chuyền khi mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Bà Nhịp kể: "Năm 1986, nghe tin tôi sinh con trai rất kháu khỉnh, hai bên nội ngoại đến chúc mừng, hân hoan lắm. Nhưng đến khi được 8 tháng tuổi, sau một cơn sốt nặng, cháu đã bị teo mất đôi chân. Mặc dù gia đình đã cố gắng chạy chữa nhưng mọi hy vọng đều tan biến khi bác sĩ kết luận không thể chữa được".

Cuộc sống của Chuyền từ đó gắn liền với chiếc xe lăn. Đến tuổi đi học, bố mẹ và bạn bè trở thành "đôi chân" đưa Chuyền đến trường. Thi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hai năm liền không đậu, năm 2007, Chuyền quyết định xin bố mẹ lên Hà Nội học nghề gì đó để tự lập. “Thú thực, lúc đó gia đình rất lo lắng vì không ai bên cạnh để chăm sóc Chuyền. Biết cho con học cái nghề gì khi mà cuộc đời con luôn gắn với chiếc xe lăn?”-bà Nhịp trải lòng.

Những ngày đầu ra Hà Nội, Chuyền phải ở nhờ phòng trọ của các bạn học cùng thời phổ thông, hằng ngày cậu lắc xe đi khắp các trung tâm dạy nghề để xin học nhưng không ở đâu nhận, nơi nhận thì học phí quá cao. Trong lúc chán nản, tuyệt vọng thì một người bạn giới thiệu Chuyền vào học sửa chữa máy vi tính ở cơ sở của người quen. Những ngày đầu học nghề, Chuyền gặp rất nhiều khó khăn cả về mặt kiến thức cũng như dụng cụ thực hành, nhưng anh vẫn quyết tâm phải học bằng được. Người bình thường thì học một khóa khoảng 6-10 tháng, nhưng Chuyền xin học tới 16 tháng để nắm vững tay nghề. Kết thúc khóa học, Chuyền đến một số nơi xin việc nhưng thấy anh ngồi trên xe lăn nên họ đều lắc đầu.

Suy tính mãi, Chuyền quyết định gọi điện về nhờ mẹ vay cho 10 chỉ vàng để mở cửa hàng sửa chữa máy vi tính. Nghe con nói vay với số tiền lớn, bố mẹ Chuyền phát hoảng vì chẳng biết vay ở đâu và liệu có được việc không. Nhưng thương con và biết ý chí của con mình nên bà Nhịp đành xuôi ngược khắp nơi, hỏi vay được 8 chỉ vàng gửi cho Chuyền. Trong vòng một năm, Chuyền lần lượt chuyển 3 địa điểm thuê cửa hàng mở hiệu sửa chữa máy vi tính ở Hà Nội nhưng đều thất bại, trong khi số nợ lớn của gia đình vẫn còn đó. Bố lên Thủ đô đón Chuyền về rồi bảo: “Bây giờ nhiều thanh niên tốt nghiệp đại học ra đang khó tìm kiếm việc làm. Nếu con có quyết tâm thì ở nhà học nghề thủ công làm việc cho khuây khỏa con ạ! Bố mẹ vẫn còn khỏe, con đừng lo!”.

Sau vài tuần ở nhà suy nghĩ và tìm hiểu thông tin, kết nối với bạn bè nhờ giúp đỡ, Chuyền xin phép bố mẹ lên Hà Nội thử vận may một lần nữa. Anh thuê nhà mở cửa hàng sửa chữa máy vi tính ở khu vực Định Công (quận Hoàng Mai). Quá trình làm việc, thấy nhiều NKT tỏ ý muốn được học nghề tại cửa hàng, đồng cảm với số phận của họ, Chuyền nhận dạy miễn phí. Uy tín của cửa hàng dần được nhiều người biết đến nhờ sự tận tình, trách nhiệm, chất phác của Chuyền với khách hàng và ngày càng có nhiều NKT xin đến học nghề.

Cuối năm 2013, Chuyền xin giấy phép thành lập Công ty Cổ phần Nghị lực Việt, chuyên dạy nghề sửa chữa máy vi tính để bàn, laptop, iPad… miễn phí cho NKT. Để có không gian làm việc và giúp các học viên được ăn ở tại chỗ không phải đi thuê trọ gây khó khăn trong việc đi lại, Chuyền thuê hẳn một căn nhà hai tầng trên phố Yên Lãng, phường Thịnh Quang (Đống Đa, Hà Nội). Trung tâm Nghị lực Việt do Chuyền làm giám đốc đã đào tạo nghề miễn phí cho hàng chục học viên là NKT và họ đã tự mở các cửa hàng ở quê để tự nuôi sống bản thân. Hiện tại có 15 học viên theo học ở hai cơ sở của trung tâm.

Chứng kiến nghị lực vượt khó của Chuyền khi có một gia đình nhỏ, cuộc sống ổn định, lại làm được việc thiện giúp NKT hòa đồng mà người bình thường khó có thể thực hiện được, người dân ở xã Ninh Xá vốn đã cảm mến nghị lực, tư chất của Chuyền hồi còn học phổ thông, nay lại càng khâm phục, tự hào và thường lấy tấm gương của Chuyền để dạy dỗ con em mình.

Luôn đồng cảm và sẻ chia

Đến thăm Trung tâm Nghị lực Việt, chúng tôi thấy Nguyễn Hữu Chuyền di chuyển thoăn thoắt bằng xe lăn đến từng vị trí để hướng dẫn, chỉ bảo tận tình cho từng học viên về chi tiết trên máy vi tính. Giọng nói ấm áp, truyền cảm, phương pháp truyền đạt khoa học, dễ hiểu làm cho chúng tôi ngỡ Chuyền như một giảng viên ngành tin học thực thụ. Lý do nhận NKT vào đào tạo miễn phí của Chuyền rất đơn giản: Bởi mình là NKT, cũng từng đi xin học, xin đi làm và bị từ chối nên rất hiểu nỗi khổ của những người đồng cảnh ngộ. Chuyền tâm sự rằng, vì mình thân thể cũng không lành lặn nên hiểu rất rõ tâm lý của NKT, hiểu các bạn muốn gì, cần gì. Bởi vậy, cách truyền dạy của anh rất gần gũi và thoải mái, các bạn học viên khuyết tật cảm thấy mình đang được bình đẳng, được sống trong một gia đình. Điều đó làm thức tỉnh ý chí, nhân lên nghị lực tiềm ẩn trong mỗi con người kém may mắn, không toàn vẹn về thân thể.

Vượt chặng đường 200km từ huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) ra Trung tâm Nghị lực Việt học nghề, học viên Tống Xuân Quân chia sẻ: “Tuy anh Chuyền chỉ hơn chúng tôi vài tuổi nhưng anh ấy có ý chí vươn lên, sự kiên trì, tinh thần chịu khó rất đáng khâm phục; kỹ năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp rất tốt. Đặc biệt, anh Chuyền luôn đồng cảm, chia sẻ, lo cho anh em chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ; luôn biết kết nối mọi người, giúp chúng tôi vượt qua mặc cảm, tự ti để hòa đồng, vượt lên số phận. Hình ảnh của anh là động lực để chúng tôi có thêm nghị lực phấn đấu”.

Học viên Kiều Quang Quỳnh đến từ huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) bị khuyết tật vận động 2 chân, đã học ở trung tâm được gần 4 tháng và tự mình sửa chữa được những hỏng hóc cơ bản trên máy vi tính. Quỳnh tâm sự rằng: “Trước khi vào đây, tôi đã đến gõ cửa nhiều nơi để xin học nghề nhưng họ không nhận, nơi nào nhận thì học phí từ 10-15 triệu đồng/khóa học, chưa kể tiền thuê nhà trọ, ăn ở. Học ở đây, chúng tôi như anh em một nhà. NKT cần nhất là nghề và công việc phù hợp với sức khỏe, thể trạng của mình, tôi may mắn vì được vào đây học nghề. Nhiều bạn bị khuyết tật sau khi học ở trung tâm đã tự mở cửa hàng ở quê, mỗi tháng cũng thu nhập được 5-10 triệu đồng như: Nguyễn Duy Tưởng ở Tiên Du, Bắc Ninh; Đào Văn Hồ ở Nam Định; Nguyễn Văn Trình ở Nghệ An… Tôi mong mình sau này cũng làm được như các bạn để không phải phụ thuộc gia đình”.

Với phương châm “Uy tín, chất lượng, thân thiện”, Trung tâm Nghị lực Việt là địa chỉ tin cậy của khách hàng khi đến đây sửa chữa, bảo dưỡng laptop, máy tính bảng. Trong một lần đến sửa máy vi tính, chứng kiến hoạt động của trung tâm và thấy trên bàn làm việc của Chuyền có nhiều hồ sơ của NKT ở các tỉnh xin học nghề, bà Phạm Thị Hạnh quyết định cho Chuyền thuê một căn nhà 4 tầng ở đường Giải Phóng thuộc phường Giáp Bát, Hoàng Mai (Hà Nội) với giá mỗi tháng chỉ 5 triệu đồng. Tại đây, Chuyền mở thêm cơ sở 2 để có nhiều cơ hội cho NKT đến học nghề. Một mình điều hành hai cơ sở vừa truyền dạy nghề, vừa chăm sóc khách hàng, lo ăn ở cho học viên, lại cùng vợ nuôi dạy cô con gái đầu lòng 2 tuổi Nguyễn Thảo Nguyên, nhưng Chuyền đều thực hiện một cách hiệu quả, thông suốt. Chuyền tâm sự: "Chính vợ tôi, cô gái xinh đẹp Nguyễn Thái Học, đã vượt qua sự ngăn cản của gia đình, sự gièm pha của nhiều người để đến với tôi bằng tình yêu thương, thủy chung son sắt, là một trong những động lực lớn để tôi  không ngừng phấn đấu, cố gắng làm việc tốt cho đời".

Trước khi chia tay chúng tôi, Chuyền nói một cách rất triết lý rằng: “Chẳng có khó khăn nào cản bước được khát vọng sống có ích. Nếu không có đôi chân, đôi tay thì chúng ta vẫn có thể thực hiện được khát vọng của mình, bằng cái chính yếu nhất của mỗi người là quyết tâm, nghị lực vượt khó”...

Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA


Tin liên quan

Dịch vụ nâng cấp SSD cho iMac Hà Nội

iMac là một trong những dòng máy tính để bàn của Apple, được trang bị cấu hình mạnh mẽ bên cạnh thiết kế All in One. Là một trong những dòng máy tính được các nhà thiết kế đồ họa, làm phim, làm nhạc và nhiều lĩnh vực khác lựa chọn cho công việc của mình.  Call...

[GIẢI ĐÁP] Nâng cấp RAM iMac có được không?

Sau một thời gian sử dụng iMac, với mong muốn trải nghiệm được tối ưu hơn, cải thiện tốc độ sử dụng của máy, nhiều người có mong muốn nâng cấp RAM cho thiết bị của mình. Tuy nhiên, khá nhiều người dùng vẫn băn khoăn rằng nâng cấp RAM iMac có được không? Dưới đây là lời...

Lưu ý khi nâng cấp ổ cứng SSD cho iMac của bạn

Nội dung Nâng cấp cho ổ cứng SSD cần lưu ý gì? Khi nào thì bạn cần nâng cấp SSD cho iMAC Trước khi nâng cấp ổ cứng SSD iMac cần lưu ý Chọn dung lượng bộ nhớ phù hợp Chọn đúng loại kết nối ổ cứng Chọn đúng các ổ cứng chính hãng...

Trao niềm tin cho người cùng cảnh ngộ

(HNM) - Trên đôi chân tật nguyền, Nguyễn Hữu Chuyền, quê Ninh Xá, Thuận Thành (Bắc Ninh) đã rong ruổi khắp nơi tìm đường lập nghiệp. Trải qua bao sóng gió, giờ đây Chuyền đã có một mái ấm, một trung tâm dạy nghề sửa chữa máy tính, iPad… miễn phí cho người khuyết...

Khát vọng đổi đời của chàng trai khuyết tật Nguyễn Hữu Chuyền

VTV.vn - Mặc dù bị tật nguyền nhưng bằng ý chí và nghị lực vươn lên, Nguyễn Hữu Chuyền đã trở thành Giám đốc trung tâm Nghị lực Việt...

Bình luận của bạn